Mục tiêu:
Trong bài này bạn sẽ được hướng dẫn về:
- Đọc hiểu các mô hình nến Nhật mà không cần phải nhớ máy móc
- Hiểu được diễn biến trong phiên của từng cây nến
- Từ đó suy ra hành vi của người mua / bán trong từng phiên giao dịch
Sau khi học xong ngày 1, chúng ta đã hiểu được các khái niệm cơ bản về cấu trúc thị trường và các xác định xu hướng. Hôm nay chúng ta sẽ học tiếp các đọc hiểu nến Nhật, các mô hình nến đảo chiều / tiếp diễn xu hướng.
1. Nguồn gốc các mô hình nến Nhật
Các mô hình nến Nhật Bản có nguồn gốc từ một thương nhân gạo Nhật Bản tên là Munehisa Homma.
Munehisa Homma sinh năm 1724 ở thành phố cảng Sakata, đảo Honshu, Nhật Bản trong một gia đình giàu có sở hữu nhiều đồn điền trồng lúa rộng lớn.
Sau khi tiếp quản “doanh nghiệp gia đình”, ông đến Osaka để trở thành một nhà đầu cơ gạo vì Osaka khi đó là thị trường buôn bán lúa gạo lớn nhất Nhật Bản. Gạo không chỉ là hàng hóa mà có thể dùng để đổi lấy các đồ dùng sinh hoạt hay các hàng hóa thực phẩm khác. Thậm chí lúa gạo còn được “bán” trước cả khi thu hoạch thông qua các “văn tự bán gạo”. Các văn tự này được trao đổi, mua bán rộng rãi và đơn giản giống như chúng ta mua bán cổ phiếu của các công ty bây giờ.
Munehisa Homma cho rằng để giành chiến thắng trong cuộc chơi này thì thông tin là yếu tố quyết định, ai nắm thông tin trước sẽ là người chiến thắng. Munehisa Homma sử dụng hàng trăm người rải khắp các vùng trồng lúa lớn nhất để tạo một mạng lưới thông tin về lúa gạo lớn nhất Nhật Bản bấy giờ…
Munehisa Homma phát minh ra một thứ gọi là “đồ thị cây nến” (bây giờ chúng ta gọi là biểu đồ nến Nhật) để biểu hiện biến động giá cả trên thị trường trong nhiều năm liền. Ông vẽ chúng, nghiên cứu, đối chiếu với các tác động của các nhân tố như biến động thời tiết, tình hình kinh tế, chính sách thuế của nhà nước, … để tìm ra quy luật chuyển động giá.
Sau nhiều năm nghiên cứu, phi vụ đầu cơ nổi tiếng đi vào lịch sử được gọi tên là “ba ngày mua, một ngày bán”.
Trong 3 ngày liên tục, Munehisa Homma chỉ mua vào mà không hề bán ra trong suốt 3 ngày liền, ông nhận được rất nhiều sự tò mò và cả nhạo báng. Trong 3 ngày đó chỉ toàn những thông tin tốt về mùa màng. Đến ngày thứ tư, liên tiếp các thông tin mất mùa từ các nơi đổ về, giá tăng vọt mà không có lúa gạo hay văn tự để mua, tất cả đều phải mua của Homma.
Chỉ trong 4 ngày, Munehisa Homma không chỉ trở thành người giàu nhất Nhật Bản mà còn kiểm soát toàn bộ thị trường gạo Nhật Bản lúc bấy giờ.
Sau đó, Munehisa Homma đến Tokyo để làm cố vấn tài chính cho Đức Vua và thắng 100 phi vụ đầu cơ liên tục! Từ đó ông được mệnh danh là “Chúa tể thị trường”.
200 năm sau, các mô hình nến và biểu đồ nến Nhật mới được giới thiệu đến thế giới phương tây bởi Steve Nison, trong cuốn sách của có tên là Kỹ thuật biểu đồ nến Nhật Bản.
2. Các đặc điểm của mô hình nến Nhật
Nói về nến Nhật, cách tốt nhất là sử dụng một hình ảnh:
- OPEN: Giá mở cửa
- CLOSE: Giá đóng cửa
- LOW: Giá thấp nhất
- HIGH: Giá cao nhất
Nến Nhật có thể được sử dụng cho bất kỳ khung thời gian nào, cho dù đó là một ngày, một giờ, 30 phút – bất cứ khung thời gian nào bạn muốn! Chúng được sử dụng để mô tả hành động của giá trong khung thời gian đó.
Nếu bạn mở biểu đồ D1 (Daily), 1 nến thể hiện hành động giá trong 1 ngày – 24h.
Nếu bạn mở biểu đồ H4, 1 nến thể hiện hành động giá trong mỗi 4h.
Giá mở và đóng cửa được xác định dựa vào màu của các mô hình nến Nhật.
- Nến tăng (màu xanh lá) có giá mở cửa THẤP HƠN giá đóng cửa.
- Nến giảm (màu đỏ) có giá mở cửa CAO HƠN giá đóng cửa.
- Phần giữa khoảng giá mở cửa và đóng cửa gọi là thân nến (body).
- Các đoạn thẳng trên và dưới thân nến gọi là bóng nến, bóng nến ở trên là upper shadow, bóng nến ở dưới là lower shadow.
- Giá cao nhất (high) là giá tại bóng trên của nến.
- Giá thấp nhất (low) là giá tại bóng dưới của nến.
3. Các mô hình nến Nhật cơ bản
Có rất nhiều loại nến, mà khi mới bắt đầu học các bạn sẽ cảm thấy mình bị “điên loạn” và không cách nào nhớ được. Mình rất hiểu cảm giác đó. Chính vì thế, các bạn hãy xem qua video của mình dưới đây để hiểu bản chất và hành vi của từng cây nến nhé. Từ đó chúng ta không cần phải nhớ nó là gì nữa!